QR là từ viết tắt của Quick Response (tạm dịch “Mã phản hồi nhanh”). Đây là mã vạch hai chiều, có thể được đọc bởi điện thoại di động thông qua ứng dụng chuyên biệt để quét mã vạch. QR code mã hóa dữ liệu bất kì như địa chỉ web, thông tin sản phẩm/ dịch vụ, thông tin liên hệ,…
Nếu như trước đây, ứng dụng QR code mới dừng lại ở việc phục vụ quảng cáo, đưa thông tin sản phẩm đến với khách hàng thì giờ đây, lần đầu tiên tại Việt Nam, công nghệ QR code đã được phát triển để có thể tích hợp chức năng thanh toán trên các website thương mại điện tử và các gian hàng ảo.
Ông Lê Doãn Hợp, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao tính tiên phong của dịch vụ cổng thanh toán tích hợp QR. Đây là sản phẩm công nghệ thể hiện sự sáng tạo và tư duy của người Việt. Hiện nay, Internet, điện thoại thông minh đang làm thay đổi thế giới, Việt Nam cũng đang dần tiếp cận với thế giới, rất cần những đơn vị dám nghĩ, dám làm. Cổng thanh toán tích hợp QR là được coi là một giải pháp mang tính đột phá, hứa hẹn một khởi đầu cho sự bùng nổ thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Công nghệ này tận dụng tối đa hạ tầng ngân hàng điện tử trên di động (Mobile Banking) của các ngân hàng tại Việt Nam và ưu thế của thiết bị di động cá nhân nhằm mang lại một phương thức thanh toán mới an toàn, tiện lợi cho cả người bán và người mua. Hiện tại, Việt Nam có trên 5 triệu khách hàng sở hữu ứng dụng Mobile Banking. Con số này dự kiến sẽ tăng gấp 3 trong năm 2020. Các ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank,… đã đầu tư mạnh để phát triển và quảng bá ứng dụng Mobile Banking.
Với công nghệ QR, doanh nghiệp chỉ cần cài đặt hệ thống chấp nhận thanh toán bằng mã QR là có thể tiếp cận người dùng, bán hàng bằng nhiều phương thức khác nhau như online trên website, mạng xã hội Facebook hay bằng tờ rơi, catalogue, thậm chí đặt các gian hàng ảo tại khu vực công cộng nhà chờ xe bus, nhà ga, sân bay, bến tàu,…Mọi kênh trưng bày, quảng cáo có tích hợp QR code đều có thể trở thành kênh bán hàng. Còn người dùng thì có thể mua hàng mọi lúc, mọi nơi, thanh toán an toàn, không cần tiền mặt hay thẻ ngân hàng, không cần di chuyển đến các cửa hàng thực, tiết kiệm thời gian, đơn giản thủ tục.”
Trong nền kinh tế hiện đại, việc áp dụng các phương thức thanh toán điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu. Các phương thức thanh toán điện tử không những rút ngắn được thời gian giao dịch, tiết kiệm chi phí quản lý cho doanh nghiệp mà còn đóng góp quan trọng trong việc làm minh bạch hóa nền tài chính quốc gia, thúc đẩy lưu thông tiền tệ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế.