Mở Hướng Đi Cho Thanh Toán Di Động Tại Việt Nam Bằng Chuẩn QR Code Cho Hệ Thống Ngân Hàng

img 201712081538305316 - Mở Hướng Đi Cho Thanh Toán Di Động Tại Việt Nam Bằng Chuẩn QR Code Cho Hệ Thống Ngân Hàng

Thống nhất một chuẩn QR Code là hướng đi của nhiều quốc gia khi tiến tới mục tiêu thanh toán đồng bộ trên di động và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Hiện nay, tại thị trường Việt Nam, có quá nhiều các ứng dụng thanh toán di động khác nhau đang gây ra sự bất tiện cho người tiêu dùng. Vì vậy, mở hướng đi cho thanh toán di động tại việt nam bằng chuẩn QR Code cho hệ thống ngân hàng sẽ là việc cần làm để minh bạch hệ thống thanh toán di động.

Toàn cảnh thị trường thanh toán di động tại Việt Nam 

Một năm trở lại đây, thị trường Việt Nam đón nhận sự tham gia của nhiều công nghệ thanh toán khác nhau như sử dụng mã QR, thanh toán trên công nghệ NFC hoặc máy quẹt thẻ sử dụng công nghệ từ tính MST. Trong đó, nổi bật là phương thức thanh toán thông qua mã QR với sự tham gia của 12 ngân hàng và khoảng 5 ví điện tử khác nhau tính tới thời điểm hiện tại.

Sự đa dạng này đồng nghĩa với việc mỗi đơn vị kinh doanh phải áp dụng một hoặc thậm chí vài mã QR khác nhau để phục vụ khách hàng. Điều này gây ra sự lãng phí và bất tiện, khiến các doanh nghiệp rụt rè hơn trong việc áp dụng hình thức thanh toán mới. Vì thế, khách hàng cũng không thể dùng một ứng dụng thanh toán di động để thanh toán tại tất cả các cửa hàng. Vậy đâu sẽ giải pháp tối ưu cho tình trạng “mỗi cây, mỗi hoa” này?

Xu hướng đồng bộ hóa thanh toán di động tại các quốc gia phát triển

Tại Ấn Độ, chính phủ sớm nhận ra vấn đề không đồng bộ trong việc phát triển thanh toán di động sẽ gây ảnh hưởng thế nào vì vậy đã cùng các tổ chức thanh toán lớn là NPCI, Visa, MasterCard và American Express cho ra đời chuẩn QR tại Ấn Độ – Bharat QR.

Singapore cũng là một quốc gia khác cũng đang trong quá trình đồng bộ hóa. Nhà chức trách tiền tệ Singapore vừa chính thức cho ra mắt một chuẩn QR duy nhất dưới tên SGQR. Mã QR này tương thích với hầu hết các ứng dụng và ví điện tử trên thị trường thanh toán di động của đảo quốc sư tử như DBS PayLah!, Singtel Dash, Grab Pay và Alipay. Giờ đây, các chủ doanh nghiệp chỉ cần đặt một loại mã QR duy nhất mà không lo khách hàng của mình không có loại thẻ hay ứng dụng tương thích.

img 201712081538305316 - Mở Hướng Đi Cho Thanh Toán Di Động Tại Việt Nam Bằng Chuẩn QR Code Cho Hệ Thống Ngân Hàng

 

Việt Nam sẽ đồng bộ hóa thanh toán di động?

Ngân hàng Nhà Nước đã thành lập Tiểu ban nghiên cứu thuộc Hội đồng Thanh toán và Công nghệ của ngành Ngân hàng để thực hiện nghiên cứu kinh nghiệm thiết lập chuẩn chung cho thanh toán qua mã QR tại một số quốc gia trên thế giới để làm cơ sở đề xuất việc xây dựng chuẩn, quy định chung cho thanh toán QR tại Việt Nam.

Ông Trần Trí Mạnh, chủ tịch hội đồng quản trị công ty VNPAY và cũng thành viên của Tiểu ban cho biết, việc thống nhất sử dụng một mã QR chung cho mọi mặt hàng và ngành hàng sẽ tạo thuận lợi cho người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp áp dụng hình thức thanh toán hiện đại này.

Chuẩn QR hiện đã chính thức được đưa vào ứng dụng bởi 10 ngân hàng lớn là BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank, ABBANK, SCB, IVB, NCB, SHB, Maritime Bank với hơn 7 triệu người dùng. Người dùng Mobile Banking của bất kỳ ngân hàng nào trong số các ngân hàng trên có thể dùng tính năng QR Pay trên ứng dụng Mobile Banking và quét mã để thanh toán. Với các cửa hàng, chỉ cần đặt một mã QR duy nhất là có thể chấp nhận thanh toán bằng ứng dụng Mobile Banking của tất cả các ngân hàng.

Định dạng QR trên ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng được xây dựng và chứng nhận dựa theo chuẩn EMVCo quốc tế. EMVCo là tổ chức toàn cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật bảo mật EMV, được thành lập bởi các tổ chức thanh toán lớn là MasterCard, Visa, American Express, Discover, JCB và UnionPay. Việc mã QR phát triển bởi các ngân hàng nội địa đạt chuẩn đồng nghĩa với việc các ứng dụng di động của sáu tổ chức thanh toán quốc tế có thể quét được định dạng mã QR này và ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng trong nước cũng có thể quét được mã của các tổ chức quốc tế.

Tính tới thời điểm hiện tại, đã có hơn 8.000 cửa hàng, website chấp nhận hình thức thanh toán bằng QR Pay của các ngân hàng, và con số dự tính sẽ lên tới 50.000 đến hết năm 2018. Chuẩn QR chung được kì vọng sẽ tạo ra sự đồng nhất trong môi trường thanh toán di động, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp và đơn giản hóa trải nghiệm của người tiêu dùng.

Theo Trí Thức Trẻ