Jack Ma chủ tịch tập đoàn Alibaba đã từng nói: “Cách mạng công nghệ đi đôi với cách mạng việc làm, đến ăn xin ngoài đường cũng dùng mã QR để xin tiền”. Quả là như vậy. Thậm chí những người ăn xin còn kiếm cả vài triệu mỗi ngày nhờ mã QR Code.
Bạn có bao giờ nghĩ rằng công việc mang tính “đầu óc” chuyên môn suốt ngày ngồi trong văn phòng điều hòa mát mẻ lại chẳng bằng thu nhập của một người ăn xin chưa?
Đó lại là sự thật đấy. Bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi biết những người ăn xin “chuyên nghiệp” tại mạng lưới tàu điện ngầm ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc có thể kiếm đến 400 tệ – tương đương 1,2 triệu đồng mỗi ngày, gấp 5 lần mức lương trung bình của một công dân Trung Quốc.
Trên thực tế, ăn xin trên các phương tiện giao thông công cộng là bất hợp pháp ở Trung Quốc, nhưng mức tiền phạt cho hoạt động này lại không thống nhất giữa nhiều địa phương. Và ở Vũ Hán, con số phạt chỉ là 50 tệ – khoảng 150 ngàn đồng, chẳng bằng một góc con số thu được.
Hơn thế nữa, chính quyền thành phố còn rất “nhân ái” với những người làm nghề này bằng cách miễn phạt cho lần đầu vi phạm nếu họ đồng ý ký một thỏa thuận sẽ nộp 200 tệ nếu bị bắt quả tang lần thứ hai.
Thế nhưng dù chính quyền có ý định tốt, rất nhiều người ăn xin đã chọn phương án ký trước đóng phạt sau, để rồi vẫn “tái xuất” trên các ga tàu ngay sáng hôm sau. Đơn giản bởi vì họ biết số tiền phạt chẳng “xi nhê” gì với thu nhập mỗi ngày của họ.
Một trong những người ăn xin khi được phỏng vấn cho biết anh ta thường nhắm vào các tuyến tàu điện đông đúc nhất, nhưng tránh giờ cao điểm buổi sáng và buổi tối. Lý do là vì tàu chật ních khiến việc di chuyển giữa các toa và xin xỏ trở nên khó khăn hơn.
Người dân quanh các điểm du lịch tại Trung Quốc cũng cho hay có rất nhiều người ăn xin quanh khu vực này. Người nào cũng có mã ví điện tử, có người còn đem theo cả máy cà thẻ POS đi hành nghề.
Tuy nhiên, theo báo cáo của hãng tiếp thị số China Channel cho biết, những người ăn xin kiểu này ở Trung Quốc thực chất được các doanh nghiệp địa phương và công ty start-up trả tiền để quảng bá mã QR của họ. Những thông tin cá nhân này sẽ bị dùng để quảng cáo hay làm phiền tới người dùng.
Mỗi lần quét QR, người ăn xin sẽ được doanh nghiệp trả 0,7 – 1,5 tệ (2.500 – 5.000 đồng). 45 giờ “làm việc” chăm chỉ mỗi tuần có thể đem về cho họ thu nhập trung bình trong tháng là 4.536 nhân dân tệ (khoảng 15,5 triệu đồng) – tương đương với mức lương tối thiểu mà người lao động ở Trung Quốc nhận được.
Từ hiện tượng đó có thể suy ra rằng nếu biết áp dụng công nghệ thì ngay cả đến “cái bang” cũng có thể làm giàu dễ dàng.